Hỗ trợ vốn cho DN công nghiệp hỗ trợ

24/04/2017
UBND TP. HCM đã có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn với cơ hội được hỗ trợ lãi suất cho mức vốn vay lên tới 200 tỷ đồng trong thời hạn 7 năm.
 

Sản xuất công nghiệp hỗ trợ tại Công ty CNS - Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn. Ảnh: N.Hiền
 
Hội nghị “Phổ biến các quy định về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ” tổ chức ngày 18/4.
 
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, TP.HCM xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, gia tăng giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghệ, góp phần phát triển ngành công nghiệp thành phố, đồng thời tăng khả năng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, ngày 16/3, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND trên cơ sở kế thừa Quyết định 50/2015/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 về việc thực hiện Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố. Trong đó, Quyết định 15 đã cụ thể hóa việc hỗ trợ kích cầu đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.
 
Ông Kiên cho biết, năm 2016, TP.HCM đã duyệt 12 dự án công nghiệp hỗ trợ được vay vốn theo chương trình kích cầu theo Quyết định 50 với tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 545,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, các dự án này đều là những doanh nghiệp lớn. Trong khi có tới 95% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có quy mô nhỏ. Những doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Do đó, Quyết định 15 sẽ tập trung vào việc hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ này.
 
Ông Kiên khẳng định, trước đây Sở Công Thương TP.HCM luôn làm tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Tất cả doanh nghiệp tìm tới xin hỗ trợ để được Sở giải quyết triệt để. “Tuy nhiên, thời gian tới, Sở Công Thương TP.HCM sẽ chủ động tìm tới doanh nghiệp để tìm hiểu khó khăn và đưa ra hướng tháo gỡ thay vì chờ doanh nghiệp tìm tới như trước đây” – ông Kiên nói.
 
Việc ban hành Quyết định số 15 cho thấy quyết tâm của thành phố trong việc phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được cụ thể hơn với danh mục các dự án thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu: Cơ khí (17 danh mục); hóa chất nhựa, cao su (10 danh mục); chế biến lương thực – thực phẩm (2 danh mục); điện tử - công nghệ thông tin (14 danh mục) và 2 ngành truyền thống: dệt may (5 danh mục) và da giày (2 danh mục).
 
Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất không quá 200 tỷ đồng cho một dự án, đối với các dự án có yêu cầu mức vốn hỗ trợ lãi suất trên 200 tỷ đồng hoặc thời hạn lãi suất trên 7 năm, UBND thành phố sẽ xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể. Quy định này đã được mở rộng hơn rất nhiều so với mức vốn vay không quá 100 tỷ đồng cho mỗi dự án quy định trong Quyết định 50 trước đây.
 
Ngoài ra, theo Quyết định 15, Sở Công Thương là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ, chủ trì và phối hợp với các sở, ban ngành xem xét, tham mưu trình UBND thành phố phê duyệt và trả kết quả giải quyết cho chủ đầu tư của dự án. Điều này cho thấy sự cải tiến của thành phố trong thủ tục cho vay đối với doanh nghiệp theo hướng đơn giản, rõ ràng hơn nhằm rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay để các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn để sản xuất kinh doanh.
 
Triển khai các chính sách cho vay phát triển công nghiệp hỗ trợ, Sở Công Thương TP.HCM và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đã ký kết một số gói chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP.HCM nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại, sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, thúc đẩy phát triển mạnh các ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
 
Ông Tạ Việt Bắc, đại diện Ngân hàng Công Thương Việt Nam cho biết, ngân hàng dành 10.000 tỷ đồng cho vay đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP.HCM. Mức lãi suất hỗ trợ tối đa bằng lãi suất cơ sở được tính từ lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM (BIDV, Agribank, Vietinbank, Vietcombank) cộng với phí quản lý 2%.
 
Dịp này, Sở Công Thương cũng ra mắt Cổng cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ TP.HCM tại địa chỉ http://csid.gov.vn được điều hành bởi Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP.HCM. Theo đại diện Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP.HCM, Cổng dữ liệu sẽ là kênh thông tin cung cấp các cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ để làm cầu nối giữa các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ với các tập đoàn đa quốc gia nói chung và các doanh nghiệp sản phẩm đầu cuối nói riêng. Đây cũng là kênh tuyên truyền những chủ trương chính sách của Nhà nước liên quan tới doanh nghiệp và ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến thị trường trong và ngoài nước.

 
Nguồn: baomoi.com