Nâng cao hiểu biết về an toàn - vệ sinh lao động

05/06/2017
Thời gian qua, công tác an toàn - vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) luôn được các cấp, các ngành, doanh nghiệp (DN) ở TP Hồ Chí Minh quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện. Lần đầu tiên cùng với cả nước, TP Hồ Chí Minh đang triển khai thực hiện “Tháng hành động về AT-VSLĐ” năm 2017 (từ ngày 1 đến 31-5-2017) nhằm thể hiện rõ hơn về trách nhiệm chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, sức khỏe, ngăn chặn tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động (NLĐ)…
 

Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động được nhiều doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh chú trọng. Trong ảnh: Giờ làm việc của công nhân Công ty TNHH MTV Cao-su Thống Nhất (đơn vị thành viên của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV).

 
Thực hiện “Tháng hành động về AT-VSLĐ” năm 2017, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (CNS) đã chọn chủ đề: “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa các tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp” để triển khai đến 18 đơn vị thành viên. Theo Phòng Bảo hộ lao động - Môi trường của CNS, các đơn vị được yêu cầu chú ý các lĩnh vực thường xảy ra tai nạn lao động như: Điện, làm việc trên cao hàn cắt kim loại, làm việc trong hầm kín. Các đơn vị có hoạt động xây dựng phải bổ sung ngay các biển báo, rào chắn ở những khu vực nguy hiểm có nguy cơ tai nạn lao động. CNS còn triển khai đo kiểm môi trường lao động, thực hiện bồi dưỡng độc hại cho NLĐ làm công việc nặng nhọc kết hợp khám sức khỏe định kỳ, bệnh nghề nghiệp cho công nhân…
 
Giám đốc Bảo hộ lao động - Môi trường của CNS Nguyễn Thanh Tân cho biết, bảo đảm AT-VSLĐ và bảo vệ môi trường là hoạt động thường xuyên ở tất cả các đơn vị thành viên. Trong năm 2016, CNS không để xảy ra tai nạn lao động chết người, sự cố về cháy nổ, ngộ độc thực phẩm và môi trường. Các đơn vị cũng bồi dưỡng bằng hiện vật cho 1.026 cán bộ, công nhân viên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân như quần áo, giày bảo hộ lao động, nón, khẩu trang, nút chống ồn, dây đai an toàn...
 
Công ty cổ phần Xây dựng Hòa Bình (quận 3) đã phát động công nhân hưởng ứng “Tháng hành động về AT-VSLĐ”. Công ty có hơn 10.000 công nhân làm việc ở khắp các công trường trong nước và nước ngoài cho nên công tác bảo đảm AT-VSLĐ luôn được Ban giám đốc và Công đoàn đơn vị hết sức quan tâm. “Việc nhắc nhở về AT-VSLĐ rất có ích đối với NLĐ, giúp công nhân nâng cao ý thức về an toàn, cẩn trọng trong từng thao tác trong công việc”, anh Lê Văn Thanh - công nhân Công ty cổ phần Xây dựng Hòa Bình nói. Đại diện lãnh đạo công ty cho biết, AT-VSLĐ là công tác luôn được đơn vị chú trọng thực hiện. Để tai nạn xảy ra, không chỉ bản thân NLĐ bị ảnh hưởng, gia đình họ mất đi trụ cột mà chính DN cũng gặp nhiều khó khăn.
 
Theo thống kê của Phòng An toàn lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) trên địa bàn thành phố, xây dựng là lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn lao động nhất, chiếm đến 70% số vụ. Công tác AT-VSLĐ năm nay sẽ tập trung tuyên truyền, tập huấn đối với các DN thi công xây dựng. Theo Trưởng phòng An toàn lao động (Sở LĐ-TB-XH) Nguyễn Quốc Việt, phần lớn NLĐ làm việc trong lĩnh vực xây dựng là lao động nhàn rỗi từ nông thôn lên thành phố kiếm việc làm cho nên không được đào tạo về nghề nghiệp cũng như kỹ năng an toàn trong lao động. Trong khi đó, nhiều DN xây dựng có sử dụng nhiều NLĐ thời vụ lại ít quan tâm việc trang bị bảo hộ lao động và tập huấn về AT-VSLĐ.
 
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về AT-VSLĐ một cách sinh động, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thi “An toàn vệ sinh viên giỏi” cấp thành phố năm 2017. Hội thi thu hút gần một trăm đơn vị, DN tham gia và vòng thi chung kết xếp hạng sẽ diễn ra vào ngày 20-5 với 24 đội xuất sắc vượt qua vòng loại. Phó Trưởng ban Chính sách Pháp luật, LĐLĐ thành phố Lê Anh Tuấn cho biết: Để cuộc thi có tác dụng thiết thực đối với NLĐ về những tình huống xảy ra trong quá trình lao động, sản xuất, Ban tổ chức đã biên soạn ngân hàng câu hỏi gồm những kiến thức về nội dung pháp luật AT-VSLĐ; vai trò của công đoàn trong công tác AT-VSLĐ; phòng, chống cháy, nổ tại DN; các chế độ, chính sách của Bảo hiểm xã hội liên quan đến lĩnh vực AT-VSLĐ; 24 tình huống tai nạn lao động và hướng dẫn sơ cấp cứu…
 
Theo Bộ LĐ-TB-XH, trong quý I-2017, tai nạn lao động liên quan đến lĩnh vực xây dựng tại TP Hồ Chí Minh là 14 vụ, chiếm hơn 63% các vụ tai nạn lao động. Qua phân tích, lỗi của người sử dụng lao động chiếm 72% nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động như điều kiện làm việc, biện pháp thi công, máy, thiết bị, giàn giáo, nhà xưởng không bảo đảm an toàn; không trang bị phương tiện cá nhân cho NLĐ.


Nguồn:nhandan.com.vn