Tiếp đón Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến thành phố Hồ Chí Minh tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh và tìm nhà cung cấp

21/03/2016
Ngày 16/03/2016, Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản gồm 11 công ty trong lĩnh vực điện tử, khuôn mẫu… đến từ các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore...

Ngày 16/03/2016, Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản gồm 11 công ty trong lĩnh vực điện tử, khuôn mẫu… đến từ các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore... đã tham dự buổi gặp gỡ, giới thiệu thông tin về môi trường đầu tư, cung ứng nội địa và công nghiệp hỗ trợ tại Văn phòng Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, có các thương hiệu điện tử lớn, uy tín trên thế giới như Sony, NEC, Sharp, Canon, …

Đây là chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Chương trình kết nối doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Nhật Việt – ASEAN do Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA) và Trung Tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ - Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Chương trình nhằm tạo cơ hội giao thương giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam nhằm giúp nâng cao tỷ lệ cung ứng nội địa của các doanh nghiệp Nhật Bản, thúc đẩy việc xuất khẩu sản phẩm công nghiệp phụ trợ của các doanh nghiệp Việt Nam.
 

Doanh nghiệp Nhật Bản tham gia buổi hội thảo ngày 16/3/2016

Tại buổi gặp gỡ, JETRO đã báo cáo kết quả khảo sát trong những năm qua, tỷ lệ cung ứng nội địa của Việt Nam năm 2015 là 32,1% (trong đó khu vực miền Nam là 36,2%, miền Bắc là 29,2% và miền Trung là 21,3%) giảm nhẹ so với mức 33,2% trong năm 2014. Tỷ lệ này dù có cao hơn Philippines (26,2%), nhưng lại thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (65%), Thái Lan (56%), Indonesia (41%). Tỷ lệ cung ứng nguyên vật liệu từ doanh nghiệp nội địa cũng giảm nhẹ từ 14,4% trong năm 2014 xuống còn 13,2% trong năm 2015. Tỷ lệ này cũng thấp hơn so với Indonesia (20,3%), Thái Lan (24,1%), Trung Quốc (36,8%).

Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đã nắm bắt nhiều thông tin về môi trường đầu tư vào các Khu chế xuất và Khu công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh thông qua giới thiệu tổng quan của HEPZA về các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố. Theo đó, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu về vốn đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố với 119 dự án đầu tư, tổng số vốn đầu tư là 1,38 tỷ USD trong các lĩnh vực ngành nghề: cơ khí chính xác, điện – điện tử, thực phẩm,… Cùng với các cơ chế chính sách của nhà nước để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, HEPZA đang nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ bằng các mô hình: phân khu công nghiệp hỗ trợ trong khu công nghiệp, mô hình nhà xưởng tiêu chuẩn xây sẵn, mô hình nhà xưởng cao tầng. Điều này nhằm tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ triển khai sản xuất, nâng cao và cải tiến công nghệ, tiếp cận thị trường, đủ điều kiện để hợp tác và trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động và sẽ đầu tư tại Việt Nam. Tiếp đó, Trung Tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố thông tin về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm là: tham mưu chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố; là đầu mối cung cấp dịch vụ hỗ trợ và phối hợp các sở - ngành, đơn vị có liên quan thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng ngày, Đoàn doanh nghiệp đến khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp Việt Nam ngành điện tử, cơ khí, sản xuất khuôn mẫu tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là các công ty sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có năng lực và được các đối tác nước ngoài đánh giá cao. Hàng năm, JETRO có chương trình tìm kiếm và khảo sát doanh nghiệp Việt Nam tốt để giới thiệu cho doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu mua sản phẩm trong nội địa Việt Nam.
 

Một số sản phẩm của Công ty CNS Amura Precision

Ngày 17/03/2016, Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản cùng với 12 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tham gia sự kiện kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên sự kiện kết nối giữa bên cung (gồm các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và Nhật Bản tại Việt Nam) với bên cầu là các doanh nghiệp lớn Nhật Bản đến từ các nước ASEAN như Canon Hitech (Thái Lan), Denso Manufacturing Vietnam, IHI Asia Pacific, Juki (Việt Nam), Meiwa Vietnam, Mitsubishi Electric Asia, NEC Platforms Thai, Panasonic Vietnam, Sanshin Chemical Industry Vietnam, Sensho Industry Vietnam, SHARP Corporation, SONY Emcs (Malaysia)… Thông qua hoạt động kết nối này, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại thành phố Hồ Chí Minh có cơ hội nâng cao được tỷ lệ cung ứng nội địa, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nắm bắt thông tin rõ ràng trong những yêu cầu của các tập đoàn nước ngoài khi mua hàng về chất lượng sản phẩm và những tiêu chuẩn đặt ra.
 

Toàn cảnh sự kiện ngày 17/3/2016
 
Kết quả đã có hơn 300 lượt kết nối, với sự tham gia của hơn 190 nhà cung cấp tiềm năng chủ yếu là các doanh nghiệp Việt Nam và một số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Sau sự kiện này, bên cạnh việc nâng cao năng lực các công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tiếp tục cố gắng theo đuổi những cuộc gặp gỡ hết sức hữu ích này và nên liên lạc thường xuyên với phía đối tác. Việc tổ chức sự kiện kết nối cung – cầu giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa với các tập đoàn nước ngoài như hiện nay là điều hết sức cần thiết và cần phải làm thường xuyên.