Báo cáo mặt hàng cao su tháng 7/2012

05/03/2014
1. Trong nước:
 
Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), giá cao su nguyên liệu tại Bình Phước lại tiếp tục giảm sâu trong tháng 7. Nếu như những ngày cuối tháng 6, mủ cao su tự nhiên được thu mua với giá 15.600 đồng/kg thì sang đầu tháng 7 giá đã giảm xuống chỉ còn 13.800 đồng/kg. Mức giá thấp duy trì trong vài ngày và sau đó nhích lên 14.400 đồng/kg từ tuần thứ hai của tháng 7. Cao su đã sơ chế được thu mua với giá giảm còn 20.000 đồng/kg, so với 25.000 đồng/kg vào cuối tháng 6.
Việc Trung Quốc tiếp tục cấm biên khiến các tư thương đã giảm hẳn lượng xuất khẩu cao su trong tháng 7. Trong tháng 6/2012, sản lượng cao su do lực lượng tư thương xuất khẩu luôn chiếm khoảng 60%, nay giảm xuống còn 30%. Đổi lại là từ đầu tháng 7 đến nay, lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu của các công ty, đơn vị do Nhà nước quản lý đã chiếm khoảng 70% tổng lượng xuất khẩu tại cửa khẩu Móng Cái. Một phần nguyên nhân của hiện tượng trên là vấn đề chất lượng. Hiện nay, hàng xuất của tư thương là từ nguồn mủ cao su “tiểu điền” chế biến chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và khu vực, nên khách hàng Trung Quốc giảm nhập.
Tuần 19/7, giao dịch xuất khẩu cao su thiên nhiên tại cửa khẩu Móng Cái khá ổn định. Giá các chủng loại cao su sơ chế chỉ biến động 100-200 NDT/tấn (15-30 USD/tấn). Sản phẩm cao su SVR3L của khu vực tư thương xuất khẩu đạt giá từ 18.400 NDT/tấn đến 18.500 NDT/tấn (2.760-2.775 USD/tấn). Một số chủ hàng cho rằng, với giá xuất khẩu này, sau khi trừ đi chi phí, lợi nhuận đã xuất hiện trở lại dù ở mức thấp. Sản phẩm cao su thiên nhiên chế biến đạt chất lượng I của các công ty, đơn vị quốc doanh đang tăng dần đến mức giá 19.000 NDT/tấn (2.850 USD/tấn) và dễ thu hút khách hàng nhập khẩu Trung Quốc.
 
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su thiên nhiên trong tháng 6 đạt được 60.358 tấn, giá trị đạt 170,44 triệu đô-la Mỹ, giá bình quân đạt 2.824 USD/tấn, so với tháng trước giảm 19,7% về lượng, giảm 27,5 % về giá trị và giảm 9,7 % về giá, còn so với cùng kỳ năm trước, tăng 7,4 % về lượng, nhưng giảm đến 30,6 % về giá trị và giảm 35,4 % về giá bình quân. Tính đến hết 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được 402.502 tấn cao su thiên nhiên, giá trị hơn 1,2 tỷ đô-la Mỹ, tăng mạnh về lượng, khoảng 39,3 % nhưng lại giảm về kim ngạch xuất khẩu khoảng 4,3% và giá bình quân đạt 3.001 USD/tấn, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá cao su thiên nhiên xuất khẩu đã tăng từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2012 khi nguồn cung hạn chế vì cây cao su ngưng khai thác trong thời kỳ rụng lá vào mùa khô. Sau đó, khi cây được khai thác trở lại, giá sụt giảm liên tục từ tháng 4 đến tháng 6/2012. Giá (FOB) của chủng loại SVR 3L bình quân trong tháng 1 đạt 3.228 USD/tấn, đến tháng 3 là 3.628 USD/tấn nhưng đến tháng 6 chỉ còn 3.079 USD/tấn.
 
Những nguyên nhân đã tác động làm giá cao su sụt giảm là: (1) nguồn cung tăng khi cây cao su được trở lại vào đầu mùa mưa; (2) nhu cầu tiêu thụ cao su suy giảm do khủng hoảng nợ công châu Âu kéo dài làm suy yếu nền kinh tế của khu vực này, thu hẹp mức tiêu thụ cao su của ngành sản xuất lốp xe và một số ngành công nghiệp khác; (3) tăng trưởng kinh tế chậm tại những nước tiêu thụ nhiều cao su như Trung Quốc, Hoa Kỳ , Ấn Độ đã làm nhu cầu cao su trở nên yếu; (4) nguồn dự trữ tại các kho ở Trung Quốc còn khá cao nên Trung Quốc ưu tiên sử dụng nguồn này và hạn chế nhập khẩu trong những thời điểm giá cao; (5) giá dầu thô thấp làm giá cao su thiên nhiên khó tăng vì sự cạnh tranh của cao su tổng hợp (là sản phẩm từ dầu thô và có thể thay thế cao su thiên nhiên).

2. Thế giới:
 
Theo dự báo mới của Hiệp hội các nước trồng cao su thiên nhiên (ANPRC), sản lượng cao su thiên nhiên của các nước hội viên sẽ đạt 10,8 triệu tấn trong năm 2012. Như vậy, tỷ lệ tăng trưởng đạt 4,9% từ mức 10,33 triệu tấn của năm ngoái. Nguyên nhân chính là do các nước như Việt Nam, Inđônêxia, Malaixia dự kiến tăng sản lượng của mình. Sản lượng cao su thiên nhiên của Inđônêxia hiện nay được dự báo tăng trưởng với tốc độ 8,2% lên 3,26 triệu tấn so với dự báo sụt giảm nhẹ ở mức 0,4% xuống còn 3 triệu tấn trong năm 2012. Việt Nam cũng đã duyệt lại sản lượng của quốc gia này trong năm 2012 lên 915.000 tấn so với dự báo 860.000 tấn như đã báo cáo trong tháng trước. Tăng trưởng mạnh mẽ là do diện tích khai thác gia tăng. Như trong trường hợp của Malaixia, quốc gia này cũng đã xem xét lại sản lượng cao su thiên nhiên sẽ đạt 1 triệu tấn trong năm 2012, với tỷ lệ tăng trưởng so với cùng kỳ là 0,4%.
Có thể nhận thấy xu thế giảm giá rõ rệt trong tháng 7 trên thị trường cao su thế giới, mà điển hình là giá cao su kỳ hạn tại Sở Giao dịch Hàng hóa Tokyo (Tocom), Nhật Bản và giá cao su physical tại Thái Lan – nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới. Giá cao su kỳ hạn giảm 28% trong quý 2, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008 và cũng là mức thấp nhất trong 3 năm do nhu cầu giảm vì bóng ma suy thoái bao trùm lên toàn cầu. Các thương nhân cho rằng, đầu tư vào thị trường hàng hóa lúc này là khá rủi ro do kinh thế toàn cầu suy yếu, giá cao su cũng chịu áp lực từ thị trường dầu mỏ và kim loại.
 
Ngay từ tuần đầu tháng 7, giá cao su trên thị trường châu Á quay đầu giảm trong ngày 5/7 do giá dầu mỏ rời khỏi mức cao 1 tháng làm giảm nhu cầu cao su thiên nhiên thay thế cao su tổng hợp. Trên sàn Tocom, giá cao su giao tháng 12/2012 để mất 1,8% và chốt phiên 5/7 tại 252,6 yen/kg, tức 3.159 USD/kg. Trước đó, ngày 4/7, giá leo lên mức cao nhất trong 5 tuần.
 
Từ lúc này, giá cao su liên tục đi xuống. Phiên giao dịch 18/7 chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất trong tháng, với giá đóng cửa hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2012 chỉ còn 234,5 yen/kg. Trong ngày, có lúc giá cao su giảm tới 9,1 yen xuống chỉ còn 241,3 yen/kg, mức thấp nhất trong vòng 2 tuần do lo ngại về nhu cầu tiêu thụ cao su sau khi Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định không đưa ra gói kích thích kinh tế nào.
 
Trên thị trường physical, giá cao su RSS3 của Thái Lan cũng liên tục giảm. Giá cao su RSS3 đã giảm từ mức đỉnh gần 4 USD/kg đạt được vào đầu năm nay và một mức cao lịch sử 6,40 USD/kg vào tháng 2/2011, chủ yếu là do lo ngại về tình hình tiêu thụ cao su hết sức ảm đạm.
 
Thái Lan, nhà sản xuất và xuất khẩu cao su hàng đầu thế giới, đã yêu cầu các nhà sản xuất chủ chốt khác như Malaixia và Inđônêxia cùng thiết lập lại một mức giá tiêu chuẩn cho cao su xuất khẩu. Nội các Thái Lan hôm 17/7 vừa phê duyệt ngân sách 15 tỷ baht (tương đương hơn 470 triệu USD) để trợ giá cao su. Số tiền này sẽ dùng để thu mua ít nhất 200.000 tấn cao su từ nông dân. Mức giá thu mua của Chính phủ cũng sẽ tăng lên. Sau khi có can thiệp của Chính phủ, giá cao su thô của Thái Lan dự kiến sẽ tăng lên 100 baht/kg và cao su hun khói sẽ tăng lên 104 baht/kg. Chương trình thu mua sẽ được tiến hành vào tháng này và kéo dài đến tháng 3 năm sau.
 
Tiếp sau Thái Lan, Inđônêxia cũng đang xem xét việc trợ giá cao su. Chủ tịch Hiệp hội Cao su Inđônêxia cho rằng giá cao su tối thiểu nên ở mức 4 USD/kg đối với cao su thiên nhiên, thay vì chỉ dậm chân ở mức 3 USD/kg như hiện nay.
 
Theo Trung tâm tin học và thống kê Bộ NN&PTNT