Nhà máy SX gỗ MDF tại Bắc Kạn: Bước đầu hành trình “Bắc tiến”

09/09/2011
(SGGP) Hôm nay (7-9), trên vùng đất đồi núi trung du phía Bắc (KCN Thanh Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn), Công ty Cổ phần Sahabak (được sáng lập bởi 4 cổ đông: Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV, Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Đông Dương) khởi công Nhà máy sản xuất gỗ MDF (giai đoạn 2). Sự ra đời của nhà máy này nhằm thực hiện mục tiêu tạo ra sản phẩm gỗ MDF chất lượng cao, phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu.
 
Hành trình “Bắc tiến”
 
Gặp chúng tôi trước đó khi tất bật với công việc chuẩn bị cho ngày khởi công giai đoạn 2 là Nhà máy Sản xuất gỗ MDF (giai đoạn 1 là xây dựng nhà máy chế biến gỗ, ván ép thanh nhà máy được vận hành vào tháng 12-2010, có tổng vốn đầu tư 31,4 tỷ đồng), ông Vũ Đức Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sahabak chia sẻ: Mọi nỗ lực để khởi công Nhà máy Sản xuất gỗ MDF (giai đoạn 2) trong thời điểm này như một món quà thiết thực mà lãnh đạo Công ty CP Sahabak chào mừng kỷ niệm 66 năm Cách Mạng Tháng 8 và Quốc khánh nước CHXHCNVN 2-9. Nói về hành trình “Bắc tiến” của Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV, ông Dũng bộc bạch: Đây là kết quả chương trình hợp tác giữa TPHCM và Bắc Kạn, sau chuyến đi làm việc của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, hồi tháng 11-2007. Ông Dũng nói thêm: Bắc Kạn là tỉnh miền núi nhưng cách Hà Nội không xa (khoảng 160 km), có diện tích đất lâm nghiệp chiếm đến 85% diện tích đất tự nhiên, đất đai lại màu mỡ, có tiềm năng rất lớn trong việc hình thành và phát triển vùng rừng nguyên liệu. Đồng thời, nhận thấy được lợi thế rừng của Bắc Kạn so với nhiều địa phương khác, cũng như dự báo và nắm bắt được xu thế của thị trường tiêu dùng sản phẩm gỗ, đặc biệt là ván gỗ MDF cao cấp, vì vậy, với vai trò là đơn vị đang tham gia thực hiện 4 ngành công nghiệp chủ lục của TPHCM, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV cùng Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Đông Dương đã đồng sáng lập ra Công ty CP Sahabak với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất ván sợi nhân tạo (MDF), chế biến gỗ và các sản phẩm gỗ cao cấp.


Nhà máy sản xuất gỗ Sahabak được đầu tư theo chương trình hợp tác phát triển
giữa TPHCM và tỉnh Bắc Kạn đã đi vào hoạt động giai đoạn 1

Kết quả bước đầu …
 
Chỉ sau hơn 9 tháng đi vào hoạt động của giai đoạn 1, dự án đã mang lại những thành quả đáng ghi nhận. Nhà máy hoạt động hết công suất thiết kế là 3.000 m3 ván/năm. Giá trị khác mạng lại không kém phần ý nghĩa khi nó đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Một lãnh đạo Sahabak thông tin, trong 226 cán bộ - nhân viên làm việc tại công ty, có đến hơn 90% lao động thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Ông Dũng tâm sự, có những gia đình có từ 2 – 3 thành viên được nhận vào làm việc tại nhà máy này. Trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều biến động nhưng Sahabak đã nỗ lực để thu nhập của người lao động ở đây được đảm bảo cuộc sống, trung bình 2,5 triệu/người/tháng. “Từ chưa biết gì nhưng các cháu vào đây được huấn luyện xử lý sơ chế gỗ đến sấy, tinh chế, tay nghề của các cháu ngày càng được nâng cao. Được như ngày hôm nay, công nhân tại đây phấn khởi lắm, ngày càng gắn bó hơn với đơn vị”, một lãnh đạo của Công ty CP Sahabak nhận định. Không dừng lại ở đó, Sahabak còn xây dựng nhà lưu trú cho công nhân với điện nước đầy đủ. Nhờ vậy, đến nay, đã giải quyết được chỗ ở cho 60 lao động. “Như vậy, bước đệm cho dự án sản xuất ván MDF (giai đoạn 2) khởi công hôm nay như đã sẵn sàng”, ông Dũng khẳng định.
 
Hứa hẹn về dòng sản phẩm gỗ MDF chất lượng cao
 
Nói về Dự án xây dựng Nhà máy Sản xuất gỗ MDF (giai đoạn 2) khởi công hôm nay, lãnh đạo Sahabak cho biết, dự kiến sẽ được thi công xây dựng, hoàn thành và vận hành trong năm 2013. Công suất nhà máy được thiết kế 360 m3 sản phẩm gỗ MDF/ngày (tương đương 108.000 m3 sản phẩm gỗ MDF/năm). Tổng mức đầu tư của dự án là 1.141 tỷ đồng. Đáng lưu ý là toàn bộ thiết bị sản xuất chính được nhập từ châu Âu với công nghệ sản xuất liên tục (đến thời điểm hiện nay đây là công nghệ hiện đại nhất Việt Nam mà chưa có nhà máy sản xuất gỗ nào sử dụng). Nói về công nghệ này, nhà sản xuất phân tích: Công nghệ hiện nay tại các nhà máy sản xuất gỗ sử dụng là công nghệ đơn tầng hoặc đa tầng chưa sử dụng công nghệ liên tục. Loại công nghệ này cho ra sản phẩm gỗ MDF chất lượng cao. Song song đó, Sahabak cũng đã lên kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng tương ứng để đáp ứng nhu cầu. Trong đó, có những vị trí sẽ đưa đi đào tạo nước ngoài. Chắc chắn, với giai đoạn 2 này sẽ tiếp tục đào tạo sâu, nâng cao tay nghề, kỹ thuật quản lý và tổ chức thực hiện dự án cũng như điều hành sản xuất tại một nhà máy chế biến gỗ của người lao động.
 
Nói đến hiệu quả của dự án, lãnh đạo Sahabak khẳng định: Nguồn nguyên liệu đầu vào và công nghệ sản xuất hiện đại là hai yếu tố quyết định sự cạnh tranh được của sản phẩm trên thị trường. Sahabak đã đảm bảo được hai điều kiện quan trọng này. Ngoài ra, hiện nay, một số loại sản phẩm gỗ MDF tại thị trường VN chưa có phải nhập khẩu nên giai đoạn 2 sẽ cung cấp sản phẩm gỗ đáp ứng nhu cầu trong nước và tiến tới phục vụ xuất khẩu. Nhà máy ra đời đúng với định hướng của Chính phủ trong việc thực hiện chủ trương công nghiệp hóa hiện đại hóa ngành công nghiệp nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu, đưa sản xuất công nghiệp hướng đến phát triển chiều sâu, tạo ra sản phẩm gỗ cao cấp, có giá trị gia tăng cao.
 
PHẠM – MAI – ANH
Theo SGGP Online